Địa chỉ
Gọi trực tiếp
Chat FB
Chat Zalo

Ông Lê Hùng Dũng và những dấu ấn trên thương trường

Không phải dân tài chính, ông Lê Hùng Dũng vẫn thành danh với nghiệp ngân hàng, vàng trước khi nổi tiếng với vai trò người tạo nên thập niên thay đổi bóng đá Việt Nam.

Gần chục năm trước khi người hâm mộ thể thao trong nước biết tới một doanh nhân đầu tiên trong lịch sử giữ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF, giới tài chính ngân hàng, vàng đã nhắc đến ông với sự kiêng nể nhất định.

Trò chuyện với VnExpress sáng nay, ông Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, người từng làm Tổng giám đốc Eximbank giai đoạn 2008-2013, trong đó có hơn 3 năm làm chung với ông Dũng – nhận xét: “Đó là một con người quyết liệt, mạnh mẽ. Vì vậy, anh ấy luôn tạo được động lực cho anh em làm việc”, ông Phước nói.

Ông Phước cho biết, ông Dũng không phải dân tài chính nhưng là người từng trải với nhiều thử thách của cuộc đời nên ông có cách sử dụng con người rất hợp lý. Dưới thời ông ấy, tập thể lãnh đạo Eximbank rất đoàn kết, cùng lèo lái ngân hàng đạt những kết quả tốt.

Với mái đầu bạc trắng, trông ông Dũng lúc nào cũng có vẻ ngoài già hơn tuổi. Sinh năm 1954 trong một gia đình cách mạng ở An Giang, cậu bé Lê Hùng Dũng khi mới 7-8 tuổi đã phải xa cha (cha ông đi tập kết ra Bắc theo Hiệp định đình chiến Genève 1954). Phải 21 năm sau, vào tháng 5/1975, khi đất nước thống nhất, ông mới gặp lại cha mình. Đó cũng là thời điểm ông Dũng đang trong quân ngũ.

Sau đó, ông theo học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Praha. Sự nghiệp của ông cũng trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Từ 1986-2003, ông làm Phó giám đốc, rồi giám đốc và Chủ tịch Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam. Thời gian này, ông không mấy tiếng tăm.

Năm 2003, ông Dũng rẽ sang bước ngoặt mới với vị trí Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC. Đây vốn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP HCM được thành lập năm 1988, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là chính. Mọi hoạt động của doanh nghiệp lúc bấy giờ khá yên ắng.

Khi ông Dũng về nắm quyền, trong 11 năm ngồi trên ghế lãnh đạo SJC, ông góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp này, ngoài kinh doanh vàng còn tham gia đầu tư tài chính như mua cổ phần của một số doanh nghiệp, ngân hàng… và mang lại những hiệu quả nhất định.

Riêng mảng kinh doanh vàng, năm 2011, doanh nghiệp này đạt doanh số kỷ lục 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng), tăng 50 lần so với 10 năm trước đó.

Trước khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng có hiệu lực (tháng 4/2012), SJC có thị phần vàng miếng lớn nhất cả nước (chiếm hơn 90%). Thời điểm giá vàng lên cơn sốt với mức 48-49 triệu đồng một lượng, Công ty SJC trong một ngày bán nhiều nhất hơn 26.000 lượng.

Trong ngày bàn giao toàn bộ thương quyền SJC cho Ngân hàng Nhà nước và nhận về mình địa vị của kẻ “gia công”, ông Lê Hùng Dũng trong vài trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên SJC lúc bấy giờ dù vui vẻ nhưng cũng có chút tâm tư.

Lúc đó ông nói vui, nếu SJC là doanh nghiệp tư nhân, ông sẽ “đấu” đến cùng, để đòi Ngân hàng Nhà nước phải trả tiền thương quyền. Bởi đang làm ăn bình thường, tự chủ mọi thứ, giờ từ địa vị người chủ trở thành người đi gia công. “Hơn nữa, đứa con ruột của mình, nay giao cho người khác, cũng buồn”, ông nói và cho rằng vì cùng là nhà nước và cùng vì lợi ích quốc gia, nên công ty ông phải chấp nhận.

Kể từ sau cột mốc này, cùng với sự ra đi của ông Dũng để nghỉ hưu năm 2014, doanh số mua bán vàng miếng SJC cũng giảm sút mạnh so với trước đây. Công ty hiện chỉ tập trung chủ yếu vào kinh doanh vàng trang sức.

Theo báo cáo gần nhất, năm 2021, công ty này ghi nhận doanh thu gần 17.700 tỷ đồng, giảm gần 25% so với cùng kỳ 2020 và xuống mức thấp nhất kể từ 2014. Kết quả này kém xa chỉ tiêu doanh số 23.494 tỷ đồng do UBND TP HCM, cơ quan chủ quản, giao cho SJC.